Đã hơn 10 năm nay, có một ngôi trường mang tên Trường Tình Thương dành cho trẻ em nghèo, cơ nhỡ được duy trì tại giáo xứ Phan Rí Cửa (Thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong, Bình Thuận ). Các em đến trường được học miễn phí từ lớp 1 đến lớp 5. Nơi đây, có các cô giáo hết lòng tận tâm với đám học trò nghèo mà không nề hà lương bổng. Nơi đây, trải qua năm tháng, cô trò gắn bó với nhau không chỉ vì cái chữ mà còn bằng cả tấm lòng yêu thương quý mến nhau. Và ước mong giúp các em có cơ hội được thoát khỏi mù chữ, cũng như có điều kiện học cao hơn đang là điều thao thức của nhà trường.
Ngôi trường từ ước mơ xóa mù chữ cho trẻ em
Trường Tình Thương tại Phan Rí Cửa hiện đang là nơi học tập của gần 100 em học sinh nghèo trong khu vực. Trường được bố trí khá nghiêm túc từ lớp 1 đến lớp 5. Từ năm 2006, trường dạy theo chương trình phổ thông hiện hành hệ 12 năm. Theo lời thuật lại của Linh mục Âu-tinh Nguyễn Văn Lạc, cha xứ Phan Rí Cửa đồng thời là Hiệu trưởng trường, thì trường Tình Thương khởi đầu được hình thành từ nỗi khắc khoải của một nữ giáo dân đối với những mảnh đời trẻ em nghèo, trẻ em cơ nhỡ ở đây. Người mang nỗi khắc khoải đó là cô Nguyễn Thị Phương Anh, hiện là Hiệu Phó của trường.
Cha Lạc kể, khoảng năm 1995, sau mỗi mùa khai giảng của các trường công lập, thì tại miền đất nắng gió này vẫn còn khá đông trẻ em không có điều kiện đến trường vì nhiều lý do, nhưng tựu trung là vì gia đình các em quá nghèo. Các em phải dãi nắng dầm mưa trên bãi biển, nơi xóm chợ cùng kiếm cái ăn với gia đình bằng nhiều việc như lượm ve chai, nhặt than vụn, đi hôi cá, nạy sò, đan rổ …. Tận mắt chứng kiến ánh mắt ngưỡng mộ và thèm khát của một đứa trẻ khi đi lượm túi nylon đứng bên ngoài lớp học nhìn chúng bạn đang ê a học bài, nỗi đau xót và thương cảm tràn ngập lòng cô Anh. Không đành lòng nhìn đám trẻ phải chịu cảnh dốt nát, mù chữ, cô đã mang thao thức đó đến trình bày với cha sở Phan Rí Cửa lúc ấy là cha GB. Vũ Văn Tiến. Vô cùng ngạc nhiên lẫn mừng vui khi cô biết cha cũng đang nặng lòng về vấn đề trẻ em thất học ở đây. Cha Tiến nhanh chóng họp bàn cùng mọi người tìm phương án mở lớp học tình thương xóa mù chữ cho các em. Sau khi họp bàn, Giáo xứ quyết định cho mượn trường Chân Lý cũ để mở lớp.
Ngày 17.5.1999 trở thành ngày đặc biệt đối các em học sinh nghèo và gia đình các em nơi đây khi lớp học tình thương đầu tiên chính thức khai giảng với 19 học sinh. Tiếng lành đồn xa, chỉ 3 tháng sau, sĩ số học sinh tăng vọt lên đến 56 em. Cha sở, giáo xứ và các cô giáo vui mừng vì sự hiếu học của các em và hy sinh của phụ huynh (họ cho các em đến trường thì thiếu người phụ giúp). Mừng đó nhưng lo đó vì học sinh đông mà lớp thì thiếu thốn trăm bề. Nhưng Chúa quan phòng đã cho Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, khi đó là Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết, nghe biết về lớp tình thương và gởi tặng 20 bộ bàn ghế cùng bồi dưỡng cho các cô giáo mỗi tháng đôi chút để động viên các cô dạy dỗ các em. (Hiện nay thì Caritas Phan Thiết cũng có hỗ trợ phần nào tiền lương cho các cô để có thể an tâm dạy dỗ các em).
Trường Tình Thương đi vào hoạt động ngày một tốt đẹp với sự nỗ lực dạy và học của thầy và trò. Bất chấp cuộc sống vô vàn khó khăn, chuyện các em nhịn đói đến lớp là “chuyện thường ngày” ở trường, nhưng tinh thần cầu tiến và niềm khao khát được đi học giúp các em chăm chỉ đến lớp và cố gắng học tập.
Năm 2001, ông Võ Phi Dũng, Trưởng Phòng Giáo Dục Huyện Tuy Phong, chấp nhận Trường Tình Thương Phan Rí Cửa và giao cho Trường Tiểu Học Phan Rí Cửa 4 đỡ đầu hướng dẫn chuyên môn (khi ấy, Tình Thương còn dạy theo chương trình phổ cập 2 năm 3 lớp). Sang niên khóa 2003-2004, trường vui mừng đón thêm một số cô có tâm nguyện phục vụ về với các em. Để đáp ứng nhu cầu theo chương trình giảng dạy và với số nhân sự hiện có, trường mở đủ 5 lớp từ 1-5. Ngày tổng kết năm học năm này trở thành ngày đáng nhớ vì 7 học sinh đầu tiên của trường Tốt nghiệp Tiểu học.
Mừng, nhưng còn đó những nỗi lo
Với ơn Chúa và sự quan tâm của mọi người, năm học 2004-2005, Tình Thương chính thức trở thành Trường Tiểu Học hoàn chỉnh thực hiện dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào Tạo với đội ngũ 6 giáo viên và 101 học sinh. Ước mơ của cô giáo Anh và cha Tiến ngày nào giờ đây đã thành hiện thực. Đám trẻ đến trường với nụ cười rạng rỡ trên môi mang theo bao ước mơ và kỳ vọng con mình có được cái chữ hầu tương lai có thể thoát khỏi cái nghèo của cha mẹ chúng.
Khi chúng tôi đến trường thì đang giờ học. Dưới cái nóng tháng 9 như thiêu đốt của trời Phan Rí Cửa, cô trò cả 5 lớp vẫn cặm cụi học bài. Chiếc quạt trần cũ kỹ từ thời Pháp thuộc không làm giảm không khí nóng nực của lớp. Tâm sự với chúng tôi, cô Phượng, cô Thanh, cô Trang- những người gắn bó với ngôi trường này- vui mừng khoe rằng có nhiều em nhờ học ở đây mà biết chữ, biết làm toán và sau đó chuyển đến các trường công vẫn có thể theo học kịp bạn bè. Con số hiếm hoi 5 em tốt nghiệp lớp 9, em Nguyễn Thanh Phong vừa đậu tú tài và em Nguyễn Thị Kiều là học sinh giỏi lớp 7 trường Trần Quốc Toản là sự khích lệ và là thành quả đáng trân trọng mà những cô giáo luôn mong đợi. Còn phần lớn lớp 5 xong là các em phải nghỉ học.
Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi nhận thấy mỗi gia cảnh học sinh ở đây là một câu chuyện thương tâm về cảnh nghèo. Có trường hợp 3 chị em đều phải học trường tình thương như Tâm, Thảo, Tùng. Ba mẹ em có 6 người con, bố làm nghề xay đá mướn, mẹ nhận cá về bán kiếm ăn từng ngày. Tôi hỏi Tâm là chị lớn đang học lớp 5 là sang có tính học tiếp không. Tâm trả lời giọng buồn buồn rằng không biết, nhà em nghèo quá có khi học xong là phải đi làm phụ ba mẹ kiếm sống. Buổi sáng đi học còn buổi chiều thì các em cũng làm đủ nghề để phụ gia đình và đó là điều kiện để bố mẹ chấp nhận cho các em đến trường. Không có điều kiện học lên cấp II, phải nghỉ học sớm là tình hình chung của các em ở đây, và cũng là nỗi thao thức của cha sở cùng các cô giáo.
Rời mái trường đặc biệt này, vọng lại những tiếng ê a đọc bài xen trong lời giảng ấm áp tình thương của các cô giáo, chúng tôi cảm nhận một niềm vui mênh mang về đạo làm người. Nơi đây là sự gặp gỡ giữa đạo và đời khi đến 90% học sinh là lương dân được các cô giáo hầu hết là người có đạo tận tình dạy dỗ với tâm nguyện yêu thương và phục vụ các em. Chúng tôi tin chắc khi lớn lên, dù ở phương trời nào, các em sẽ không bao giờ quên được kỷ niệm về những ngày tuổi thơ học hành chăm chỉ dưới mái trường đầy ắp Tình Thương nơi miền đất nắng gió Phan Rí Cửa thân yêu này. Và nỗi trăn trở của vị linh mục là làm thế nào để đám học trò ở đây có cơ hội học cao hơn luôn canh cánh trong lòng chúng tôi